Hiện nay, các hoạt động giao dịch forex đang nở rộ tại thị trường Việt Nam, thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà đầu tư trên nhiều diễn đàn. Việc tiền mất tật mang không còn quá xa lạ với các nhà đầu tư khi bị chính các sàn nước ngoài này "đốt cháy" tài khoản, khiến một lượng lớn ngoại tệ của Việt Nam bị thất thoát ra nước ngoài.
TS.Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về tình trạng đầu tư forex ở Việt Nam?
Cả hai đối tượng là người tham gia đầu tư forex và sàn forex đều đang hoạt động bất hợp pháp ở Việt Nam. Theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, chỉ những cơ sở kinh doanh được cấp phép mới có quyền mua bán, giao dịch ngoại hối. Ngay cả người dân khi nhận ngoại hối từ nước ngoài cũng không được phép mua, bán ngoại hối.
Do đó, không một sàn forex nào được công nhận và được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Mọi hành động mời chào đầu tư từ các sàn forex là trái quy định của pháp luật, và tất cả người dân hoặc các thành phần kinh tế tham gia vào các sàn forex vi phạm quy định của pháp luật.
Mặc dù vậy, hiện có nhiều sàn forex vẫn đang hoạt động và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tham gia, điển hình như ICmarkets, Exness, BrokerJet, HotForex,...
Theo điều tra của phóng viên DĐDN, nhiều nhà đầu tư forex đều rơi vào tình trạng thua lỗ. Phải chăng việc tham gia đầu tư forex đã và đang gây tình trạng "chảy máu" ngoại tệ của Việt Nam ra nước ngoài, thưa ông?
Thực chất, nếu người dân tham gia các sàn forex bằng tiền VND, các sàn sẽ mua ngoại tệ cho họ, sau đó bán ra để hưởng chênh lệch tỷ giá. Do đó, điều này chưa dẫn tới tình trạng "chảy máu" ngoại tệ. Nhưng nếu các sàn giao dịch forex nhận VND của người tham gia và qua một phương tiện nào đó để đổi ra ngoại tệ và dùng số ngoại tệ đó để chuyển ra nước ngoài, thì những giao dịch xuyên biên giới này có thể gây ra việc chảy máu ngoại tệ nếu giao dịch rơi vào tình trạng thua lỗ.
Tuy nhiên, không ít người thông qua các kênh trung gian thanh toán để chuyển ngoại tệ ký quỹ giao dịch forex ra nước ngoài, điều này có nguy cơ dẫn đến "chảy máu" ngoại tệ cao.
Nhất là tại thời điểm này, nếu giao dịch forex tiếp tục "nở rộ", người dân có thể dùng nhiều ngoại tệ hơn để đầu tư, hoặc chính các sàn forex sử dụng VND để thu mua ngoại tệ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khối lượng ngoại tệ của Việt Nam, tác động tiêu cực đến chính sách tiền tệ của NHNN.
Theo ông, việc các tổ chức trung gian thanh toán "tiếp tay" cho các sàn giao dịch forex chuyển tiền ra nước ngoài có vi phạm quy định pháp luật Việt Nam? Cần có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
Dĩ nhiên điều đó là trái với quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Như đã nói ở trên, bất cứ cá nhân, tổ chức hay thành phần kinh tế nào tham gia đầu tư forex đều vi phạm pháp luật. Sự vi phạm này mang tính hệ thống, từ người dân bỏ tiền đầu tư forex, đến các trung gian thanh toán hỗ trợ giao dịch, chuyển tiền và cuối cùng là các sàn forex.
Đặc biệt, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các mạng xã hội, nhiều đội nhóm trên Facebook, Zalo, Telegram mở ra, thu hút cộng đồng, định hướng đầu tư, trao đổi kinh nghiệm về forex thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia rất sôi động.
Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý sớm và triệt để các trường hợp như thế này, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", sẽ khó mà dập tắt. Việc yêu cầu đóng cửa, cho đến khởi tố đưa ra tòa các sàn giao dịch forex trái phép cũng cần đưa thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhằm tuyên truyền hiểu biết pháp luật cho người dân cũng là yếu tố quan trọng và cần thiết. Hiện thông tin về các sàn forex hoạt động rất nhiều, nhưng thông tin về việc các sàn bị cơ quan chức năng xử lý, xử phạt, đóng cửa ra sao hiện chưa phổ biến.
Đối với người dân có thể bị phạt hành chính, nhưng cũng có thể bị xử lý hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của quốc gia.
Bên cạnh đó, các trung gian thanh toán, như Visa Card, MasterCard, Neteller, Skrill, WebMoney... nếu giúp các sàn forex thực hiện nạp, rút tiền, thì cũng đã gián tiếp phạm luật và cần được xử lý nghiêm.
Hiện nay, hoạt động về ngoại hối qua các kênh chính thức với tỷ lệ còn rất nhỏ, khoảng 10%, còn hầu hết thông qua các kênh bất hợp pháp lên tới 90%. Các cơ quan chứng năng, NHNN cần cảnh cáo các ngân hàng không mở tài khoản cho các sàn giao dịch forex, đồng thời yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng, các đơn vị kinh doanh được phép của NHNN bài trừ các hoạt động giao dịch ngoại hối đối với các sàn forex.
Xin cảm ơn ông!
220.VN cũng nhìn nhận vấn đề này tương tự. Vấn đề của các nhà đầu tư luôn luôn là "lòng tham", mong muốn tìm kiếm lợi nhuận nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể, mà bỏ qua những rủi ro có thể/và thường xuyên gặp phải trên thị trường.
Một nhà đầu tư cá nhân có có gì trong tay:
- Với lượng tiền giới hạn (nhỏ);
- Kiến thức, hiểu biết về nền kinh tế thế giới, các vấn đề chính sách, vĩ mô của các quốc gia là cực kỳ hạn hẹp;
- Công cụ hỗ trợ phân tích chỉ đơn giản là chiếc máy tính và biểu đồ kỹ thuật;
- Kinh nghiệm trading giới hạn trong khả năng hiểu biết và tài chính, quản trị rủi ro gần như không có gì.
Chưa kể một số vấn đề về ngôn ngữ, ngoại ngữ khiến cho các nhà đầu tư tự giới hạn khả năng hiểu biết và đánh gía của mình đối với thị trường. Như vậy, kết qủa không thể tốt đẹp được.
Với tất cả những gì ở trên, chỉ có một thị trường duy nhất dành cho các nhà đầu tư mong muốn đầu tư tài chính, đó là Thị trường Chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, thị trường Việt Nam đã có gần đủ các sản phẩm đầu tư tài chính dành cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, qũy...
Nên 220.VN cũng cảnh báo không nên tham gia đầu tư trên bất kỳ thị trường tài chính nào khác ngoài Việt Nam (bao gồm cả thị trường tiền số/coin), và không được luật pháp Việt Nam bảo đảm.